Tuyệt chiêu từ chối cho vay tiền của một người khôn ngoan
Thời còn đi học, tôi thường xuyên bị hỏi han mượn tiền. Thậm chí cho đến bây giờ, vẫn có người muốn mượn tiền tôi. Không phải là tôi không muốn cho nhưng với những người tôi không tin tưởng thì tôi không dám cho vì đã có lần xảy ra tình trạng một đi không trở lại. Chính vì vậy, tôi luôn lượm lặt cho mình những tuyệt chiêu từ chối thật khéo để hai bên không phải khó xử.
1. Tôi có thể giúp nhưng không phải bằng tiền
Cách này là tôi học từ ba của tôi. Nhà tôi cũng khá giả nên lâu lâu có vài người thân đến xin giúp đỡ. Thông thường, với người thân thì ba tôi sẽ giúp. Nhưng với người ngoài ông sẽ giúp bằng cách khác chứ không phải bằng tiền.
Ví dụ:
– Kiếm cho họ 1 công việc
– Bao ăn uống và cho ngủ nghỉ nhờ vài hôm
– Cho mượn thứ gì đó ngoài tiền chẳng hạn như điện thoại cũ hay xe máy cũ
Tuy rằng, điều này sẽ không làm người đối diện hài lòng nhưng cũng khiến cho họ cảm thấy được an ủi.
2. Sắp phải mua thứ gì đó cho ai đó (quan trọng)
Một trong những cách “hợp tình hợp lý” tiếp theo đó là nói với người vay rằng mình sắp phải mua thứ gì đó cho ai đó. Bất kể thứ gì, chẳng hạn như máy tính bảng cho bố, bộ quần áo cho mẹ, lo tiền học phí cho con, bất cứ thứ gì.
Cần phải nhớ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của đồ vật đó hoặc người mà mình sắp mua đó.
Nghĩ xem, ai lại dám vay số tiền đấy của bạn chứ. Chắc chắn họ sẽ không làm phiền bạn nữa.
3. Nói rằng mình đang dồn tiền trả nợ
Phương pháp này bạn chỉ nên áp dụng với những người bạn “hờ” thôi nhé. Đây là những người không đáng để bạn phải bận tâm chứ đừng nói là móc hầu bao của mình ra để giúp đỡ họ. Có câu “tiền trong túi mình thì vẫn là của mình”, nhưng ra khỏi túi rồi thì lại là chuyện hoàn toàn khác.
Đối với bạn bè thực sự, bạn có thể áp dụng cho mình một trong 2 quy tắc sau nếu không phải là người thích cho mượn tiền tùy tiện.
Nếu không trả thì không bao giờ có lần sau: Người ta thường nói tiền bạc giết chết tình bạn. 1, 2 lần không sòng phẳng thì không sao, nhưng nếu 5, 7 lần không sòng phẳng thì lại là chuyện khác. Có rất nhiều suy nghĩ xấu dẫn đến tình bạn bị hủy hoại từ lúc nào không hay. Nếu không muốn giúp đỡ bạn bè theo cách cho vay tiền, bạn có thể quy định số tiền mà mình cho vay. Chẳng hạn bạn sẽ cho vay với số tiền dưới 1 triệu. Nếu người đó không trả “Ok, chúng ta vẫn là bạn. Nhưng vay tiền ư? Không bao giờ có lần sau.”
4. Vay khi nào trả?
Một trong những phương pháp hữu hiệu tiếp theo đó là hỏi người vay xem khi nào họ sẽ hoàn trả. Sau khi họ trả lời ngay lập tức hãy tỏ thái độ đáng tiếc khi không thể giúp được họ bởi bạn sẽ cần số tiền đó trong thời gian ít hết.
Có vẻ hơi lật lộng nhưng đây là điều nên làm. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể nói là lỡ cho ai đó vay trước đó. Nhân vật “ai đó” thì chỉ có bạn biết chứ người kia làm sao mà biết được.
5. Đừng tỏ ra “cần là có”
Mượn tiền đôi khi là một “thói quen” của ai đó nhưng cũng có khi thói quen đó hình thành dựa trên cách cư xử không khéo léo của bạn. Để tránh việc thường xuyên bị mượn tiền và không phải “nát óc” nghĩ cách từ chối sao cho không mất lòng thì bạn không nên biến mình thành nơi mượn tiền “cần là có” và cho mượn quá dễ dàng. Khi mượn tiền quá dễ dàng thì “nguy cơ” bạn tiếp tục bị mượn tiền là rất cao. Từ chối một cách khéo léo và hợp lý sẽ khiến bạn tránh được những rắc rối không cần thiết.
6. Chỉ đơn giản là không
Đôi khi nói không lại là cách đơn giản nhất và hiệu quả nhất trong trường hợp này. Tuy vậy cũng không dễ để bạn nói vậy, trừ khi đó là mối quan hệ ít thân quen hoặc liên kết với cuộc sống của bạn.
Và theo lời khuyên của tôi, đối với những người không can hệ nhiều đến cuộc sống của bạn, hay những người thường xuyên tìm tới bạn để vay mượn, hãy cứng rắn nói KHÔNG với những người này. Chỉ đơn giản là KHÔNG, vậy thôi…
Còn đối với những người thân thuộc, những người giúp đỡ bạn, hay những người có ý nghĩa với cuộc sống của bạn, hãy dẹp bỏ bài viết này ra một bên. Hãy chìa tay giúp đỡ họ khi hoạn nạn, và cùng chia sẻ với họ để cùng vượt qua khó khăn này. Tiền bạc rất quan trọng, nhưng nếu giúp đỡ được những người mà bạn yêu quý thì điều đó còn quan trọng hơn. Rất rất quan trọng là đằng khác